Thầy cô nào dám vỗ ngực "tôi ra đề thi không sai bao giờ"?
|
Một đề thi tốt, thách thức không nhỏ đối với người thầy |
Sau khi giới chuyên môn, dư luận phát hiện, ban ra đề phải đính chính, điều chỉnh đáp án, hướng dẫn chấm, thậm chí “thưởng điểm” cho tất cả thí sinh.
Gần đây nhất, trên phương tiện báo chí phản ánh về đề thi môn tiếng Anh, môn Sinh học lớp 12 ở tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều sai sót về câu, chữ; một số đề thi học kỳ 2 thuộc môn Ngữ văn lớp 9 ở 3 quận của TP Hồ Chí Minh được cho là có “cài bẫy”, có “vấn đề”, tạo sự mơ hồ, khó hiểu, thậm chí nhầm lẫn đối với học sinh trong quá trình làm bài.
Đọc kỹ 3 đề đó, quả thật có những chỗ bất ổn như vậy, đã được bạn đọc, giới chuyên môn, thầy cô giáo phân tích, chỉ rõ.
Người viết bài này, từng được giao nhiệm vụ kiểm tra, phê duyệt các ma trận, đề thi, đáp án các môn Văn, Sử, Địa cho thi học kỳ, đúng là một số thầy cô mình còn để lủng củng, sai sót khá nhiều từ chính tả, dấu chấm, dấu phẩy đến cách trích dẫn, cách hỏi, cách diễn đạt…
Có thực tế, cuối học kỳ, cuối năm học, các tổ, nhóm chuyên môn tại trường phổ thông thường “nóng lên”, tranh luận, cãi nhau đến té lửa xung quanh câu chuyện đề thi, đáp án…có “vấn đề”, có những cách hiểu khác nhau.
Nếu không có người “cầm trịch” vững vàng, mỗi người một vẻ, không ai chịu ai, đi kiện, thưa tứ tung, loạn cả lên.
Có thể khẳng định rằng, để ra được những đề bài kiểm tra, đề thi đảm bảo mọi tiêu chí như chính xác, chuẩn mực, khoa học, phân loại được chất lượng học tập của học sinh ở bất cứ môn học nào, cấp học nào là một công việc vô cùng khó khăn, cực nhọc, tốn kém nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi rất cao ở trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn của người thầy, cô giáo.
Ra đề các môn tự nhiên có phần khó hơn các môn xã hội. Ra đề trắc nghiệm với những câu hỏi, dữ liệu nhỏ lẻ, xáo thành nhiều phiên bản đề, có phần nhọc nhằn hơn so đề tự luận.
Thú thật, không mấy thầy giáo, cô giáo nào trong cả đời dạy học lại dám tự hào, vỗ ngực về bản thân mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề ấy.
Sai sót đề thi, Bộ Giáo dục phải cộng điểm cho tất cả thí sinh ở môn Vật lí(GDVN) - Bộ GD&ĐT thừa nhận có sai sót trong đáp án môn Vật lí kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa kết thúc. |
Nhất là, với môn học có tính đặc thù như Ngữ văn, rất phong phú, đa dạng về ngữ liệu, về cách diễn đạt, cách hiểu, nếu thầy, cô giáo, ban ra đề “non tay nghề”, thiếu thận trọng, cân nhắc khi ra đề, làm ma trận đề, đáp án chấm thì dễ dẫn những nhầm lẫn, sai sót “chết người”, cách hiểu mơ hồ, gây tranh cãi, làm khó học sinh.
Ai được phân công, giao nhiệm vụ ra đề thi học kỳ, tuyển sinh vào 10 hay thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh lớp 9, 10 và 12 rất mong muốn được thể hiện mình, các câu hỏi của mình ra có dấu ấn riêng, nét mới, không trùng lặp người khác.
Vậy làm gì để những thứ đó, cho ra “lò” những đề kiểm tra, đề thi tốt, đáp ứng yêu cầu, đánh giá, phân loại được các đối tượng học sinh?
Theo chúng tôi, trước tiên, nó phụ thuộc nhiều vào kiến thức, năng lực chuyên môn, tính “chuyên nghiệp” của thầy, cô giáo.
Mặt khác, các thầy cô giáo cần phải được tập huấn, trau dồi, cọ xát nhiều, thường xuyên về kỹ thuật, về năng lực cách ra đề, đáp án chuẩn hơn nữa.
Theo tôi, các đề thi học kỳ, tuyển sinh vào lớp 10, thi học sinh giỏi, có tính chất quan trọng ở nhà trường, địa phương thì các trường, các Phòng, Sở GD và ĐT nên cân nhắc, lựa chọn, giao việc khó nhọc này cho những giáo viên có năng lực tốt, có nhiều kinh nghiệm trong ra đề.
Ra đề, ma trận, đáp áp xong rồi, người ra đề hoặc ban phản biện đề phải soát xét, đặt lên, đặt xuống hết sức kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng dấu phẩy, dấu chấm, từng câu, từng chữ….
Kỹ lưỡng, thận trọng trong khâu làm đề thi càng nhiều càng tốt, không bao giờ thừa cả. Đề thi, đáp án tốt, chuẩn mực, tuy chỉ là một công đoạn nhỏ trong nghề dạy học nhưng lại phản ánh rõ nét chân dung, phẩm chất, năng lực của mỗi nhà giáo.
Công tác đánh giá, kiểm tra được đổi mới, làm tốt có tác dụng tích cực đến quá trình dạy và học của thầy và trò.
Nguồn tin: Báo giáo dục
Những tin mới hơn
Tin được xem nhiều
Tin cùng chuyên mục
Sau ngày toàn quốc chống thực dân Pháp 8 tháng, xuất phát từ yêu cầu giáo dục, Hội Liên hiệp quốc dân tỉnh phối hợp với Đảng bộ và Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Đức Phổ thành lập 1 trường trung học tại Đức Phổ, huyện cực nam của tỉnh Quảng Ngãi. Trường được mang tên Trường Trung học...